Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cho rằng con người luôn hướng tới tri thức để tạo ra sự bền vững, tuy nhiên rào cản lớn nhất của việc học hỏi là tư duy ngắn hạn và tư tưởng chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt.
“Để một doanh nghiệp phát triển bền vững, chúng ta cần tri thức. Nhưng trong môi trường mới thì rào cản lớn nhất của tri thức là việc chỉ tập trung vào cái lợi trước mắt. Những suy nghĩ ngắn hạn, vụn vặt sẽ bóp méo mong muốn học hành để đầu tư vào chính bản thân mình, ngăn cản sự phát triển tri thức để đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội”, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam phát biểu trong buổi tọa đàm “Doanh nhân và nền kinh tế tri thức”.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cho rằng các nhà lãnh đạo cần cụ thể hóa mục tiêu mà mình hướng tới để các nhân viên và cộng sự hình dung rõ ràng hơn về con đường mà mình đang đi. Từ đó, mọi người sẽ thấy được lợi ích cho bản thân nhưng vẫn hướng tới cái đích lâu dài của doanh nghiệp.
“Vấn đề khó nhất trong hoạt động doanh nghiệp là làm sao để mọi người cùng nhìn về mục tiêu lâu dài. Bởi vậy chúng ta cần xây dựng cơ chế để mọi người sẵn sàng chung một con thuyền và đi tới trước. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải được học tập và rèn luyện trong môi trường tốt để đón nhận những kiến thức mới”, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Với tư cách một người có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp gần 30 năm qua, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định mục tiêu cao nhất của việc trau dồi tri thức là sự bền vững. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc của Tập đoàn Berjaya tin rằng các doanh nghiệp ngày nay phải thay đổi tư duy về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quan niệm về đầu vào của nền kinh tế. Ông tin rằng tri thức, kỹ năng của lao động và cách truyền tải thông tin nên được xem là những yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam còn đề cao vấn đề môi trường trong phát triển doanh nghiệp. Ông tin rằng các doanh nghiệp không thể phát triển nếu dựa vào thiên nhiên, môi trường và công sức con người nhưng lại thiếu đi tri thức.
“Tri thức làm chúng ta nghĩ nhiều về vấn đề nhân văn, môi trường và bền vững. Dân số thế giới hiện nay là hơn 7 tỉ người và còn tăng lên, nhưng diện tích xanh của hành tinh thì không. Ta nói tới môi trường, hệ sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn vì đó là con đường hướng tới sự bền vững, nhưng chúng ta phải tạo ra một vòng hoàn thiện. Ví dụ, ta làm ra pin mặt trời với mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng chưa có ai trả lời được rằng những tấm pin đó sẽ ra sao sau nhiều năm nữa. Đó là một vòng tuần hoàn không hoàn thiện”, ông nói.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam hiện đang là Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya, đồng thời là Chủ tịch Jeep Vietnam Automobiles và Chủ tịch Nam Hương Group. Giai đoạn 2019-2021, ông Nguyễn Hoài Nam là chủ sở hữu FK Sarajevo – một trong những CLB bóng đá hàng đầu tại Bosnia & Herzegovina. Tuy nhiên tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến ông và các cộng sự buộc phải công bố chấm dứt đầu tư vào đội bóng này.
Buổi tọa đàm “Doanh nhân và nền kinh tế tri thức” là sự kiện nằm trong Lễ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ doanh nghiệp Pro MBA. Đây là chương trình liên kết độc quyền giữa học viện WAcademy trực thuộc quản lý tập đoàn WLIN Global Holdings với trường đại học Hoa Sen – viện sau đại học và lãnh đạo, dành riêng cho cấp lãnh đạo và quản lý cấp cao tại các công ty và doanh nghiệp.